AMD cho biết hiện nay thế giới đang gặp nhiều thách thức chính liên quan đến việc tiết kiệm điện cho các thiết bị điện tử nói chung và di động nói riêng.
Trong đó, thách thức lớn nhất nằm ở chỗ nhu cầu điện toán di động đang ngày càng tăng lên, thế nhưng mức độ sử dụng năng lượng của những thiết bị dạng này lại phải giảm đi để có thời gian chạy pin lâu hơn.

Ở góc độ doanh nghiệp, họ cũng muốn tiết kiệm tổng chi phí sở hữu (Total cost of ownership) khi mua thiết bị di động về phục vụ cho mục đích kinh doanh.
Cụ thể hơn, AMD đặt ra những mục tiêu như sau cho việc tiết kiệm điện:
Sức mạnh xử lý tăng lên nhưng phải dùng ít điện hơn
Thời gian dùng pin dài hơn, thân hình của thiết bị mỏng hơn, nhẹ hơn, máy chạy êm ái và mát hơn
Hạ chi phí điện năng cũng như tổng chi phí sở hữu
Giảm tác động xấu đến môi trường
Để làm được điều đó, trong vòng 6 năm qua, AMD đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, chẳng hạn như khả năng quản lý năng lượng thông minh cho các con chip APU của mình, tích hợp nhiều thành phần vào trong cùng một đế (chính là các SoC mà hãng giới thiệu gần đây, từ CPU, GPU cho đến chip cầu bắc, cầu nam), tối ưu hóa silicon và sử dụng quy trình sản xuất nhỏ hơn. Kết quả là họ đã đạt được mức cải thiện tăng gấp 10 lần trong giai đoạn 2008 - 2014. Đến năm 2020, AMD rất tham vọng, họ muốn con số này tăng ít nhất 25 lần nữa.

Ngoài ra việc thiết kế chip còn gặp vấn đề rò rỉ điện. CPU, GPU nói chung và APU của AMD nói riêng đều hoạt động ở điện thế thấp với cường độ cao, điều đó tạo ra thách thức về chất lượng điện cung cấp cho chip. AMD thừa nhận rằng không thể nào cung cấp một dòng điện hoàn hảo được, thường thì sẽ có biến thiên khoảng 10% so với dòng chuẩn. Điều này có nghĩa là ít nhất 20% năng lượng bị hao phí bởi các biến thiên đó.
Để giải quyết chuyện này, AMD đã phát triển một công nghệ thích ứng độc quyền có khả năng "khôi phục lại hầu hết năng lượng thất thoát bằng cách vận hành chip ở điện thế trung bình và nhanh chóng giảm xung nhịp trong những giai đoạn có biến thiên". Kết quả chung cuộc, chip của AMD có thể giảm được 10% đến 20% lượng điện tiêu thụ ở cùng hiệu năng với các chip không có công nghệ thích ứng nói trên.
Chưa hết, vẫn còn đó thách thức về nhiệt độ, nhất là khi thiết bị di động phải thường xuyên tiếp xúc với cơ thể của người dùng. Các bạn chắc hẳn cũng đã từng gặp tình trạng điện thoại hay tablet sau khi sử dụng được ít lâu thì bắt đầu nóng gây khó chịu cho vùng da của chúng ta. AMD cũng nghĩ đến chuyện đó và hãng đề ra giải pháp đó là sẽ tăng hiệu năng lên thật cao nhằm xử lý tác vụ nhanh nhất có thể. Khi chip chạm đến một mức nhiệt độ do nhà sản xuất định nghĩa thì sẽ giảm sức mạnh lại để không gây quá nóng. Trong bối cảnh các thiết bị di động thường chỉ được dùng trong thời gian ngắn rồi cất đi thì giải pháp của AMD sẽ đạt hiệu quả cao.
Trong dòng chip "Carrizo" sắp được ra mắt vào năm sau, AMD sẽ tiếp tục dồn sức để tối ưu hóa việc tiết kiệm điện cho nó. So với dòng Puma năm 2008 thì hiệu quả tăng gấp 2 lần. Tính năng Intelligent Boost cũng được triển khai nhằm tăng cường sức mạnh cho chỉ những ứng dụng cần thiết, lúc đó APU của AMD sẽ tiêu thụ ít điện hơn so với việc tăng sức mạnh cho mọi app đang hoạt động. Hoạt động tăng giảm này cũng sẽ tùy theo ngữ cảnh thực tế của người dùng.
Nguon: tinhte.vn