Tôi tham gia trải nghiệm phỏng vấn từ năm thứ 3 đại học và đã trả qua rất nhiều cuộc phỏng vấn xin việc ở các công ty khác nhau từ hồi thực tập đến khi đi làm chính thức.
Nhiều bạn nghĩ rằng, phỏng vấn chỉ đơn thuần là một cuộc trao đổi giữa mình và nhà tuyển dụng. Còn tệ hơn nữa, nhiều bạn cho rằng, phỏng vấn là một sự lừa dối bởi vì phỏng vấn chỉ “làm cảnh thôi”, chứ thực chất, người ta đã xếp chỗ xong xuôi hết cả rồi.
Riêng bản thân tôi thì không cho là như vậy, tôi tin rằng, phỏng vấn là một buổi để tôi thuyết phục nhà tuyển dụng tại sao nên chọn tôi mà không phải là các ứng viên khác, phỏng vấn cũng là một buổi chia sẻ để tìm hiểu sâu hơn về công ty và ngành nghề mình đang ứng tuyển và phỏng vấn sẽ giúp tôi trưởng thành hơn.
1. Đánh giá chung về vòng phỏng vấn
1.1 Cạnh tranh khốc liệt nhất:
Vòng phỏng vấn là vòng cạnh tranh khốc liệt nhất với mọi thí sinh tham gia. Theo kinh nghiệm của tôi, số lượng thí sinh tham gia phỏng vấn vòng cuối cùng thường sẽ gấp 3 lần số lượng nhà tuyển dụng muốn nhận. Tôi xin dẫn chứng ra 2 dữ kiện để các bạn thấy:
– Trong kỳ thi tuyển vào Vietinbank Hội sở chính quý 2/2013 tổ chức tại trường Đại học Xây dựng, vị trí thi cán bộ Treasury của Phòng Thanh quyết toán vốn kinh doanh
+ Danh sách tham gia thi viết dán tại cửa phòng thi: 80 người
+ Số lượng người đến thi thực tế: 60 người
+ Số lượng người gọi đi phỏng vấn: 6 người
+ Số lượng người trúng tuyển sau vòng phỏng vấn: 2 người
– Trong kỳ thi tuyển vị trí Chuyên viên phát triển khách hàng và định chế tài chính của Khối nguồn vốn – Ngân hàng TMCP Liên Việt
+ Danh sách tham gia thi viết đăng trên web: 150 người
+ Số người gọi đi phỏng vấn: 10 người
+ Số lượng người trúng tuyển sau phỏng vấn: 1 người.
Qua những số liệu trên, bạn có thể thấy rằng, để được tuyển dụng vào một ngân hàng nào đó thì thực sự rất khó khăn với tỷ lệ chọi rất cao, đặc biệt là trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay.
1.2 Vòng thi có nhiều tiêu cực nhất tuy nhiên cũng là cơ hội nếu bạn tự tin
Vòng phỏng vấn (thường là phỏng vấn cá nhân – nhà tuyển dụng), bạn không thể biết được rằng ứng viên đang ngồi trong phòng phỏng vấn kia là ai, họ được hỏi những câu gì và câu trả lời của họ ra sao,… Kể cả đến lượt mình phỏng vấn, những câu hỏi và những câu trả lời của mình cũng ít khi được nhà tuyển dụng nhận xét là đúng sai cụ thể như thế nào. Nói tóm lại, nhiều bạn thấy một điều gì đó không được minh bạch khi tham gia phỏng vấn.
Bên cạnh đó, có rất nhiều yếu tố khác chi phối đến một cuộc phỏng vấn xin việc (nhiều bạn cho rằng đó là tình trạng con ông cháu cha trong tuyển dụng). Điều này thực sự cũng không ai thống kê được. Mặc dù vậy, vòng phòng vấn sẽ là cơ hội tốt nhất cho bạn nếu bạn tự tin về khả năng của mình.
Bạn hãy tin rằng vòng phỏng vấn là cơ hội để mình tìm hiểu sâu hơn về công ty và vị trí mình ứng tuyển, là cơ hội để chinh phục nhà tuyển dụng chứ đừng nên chú trọng vào những điều tiêu cực của phỏng vấn như một số người vẫn làm.
1.3 Vòng phỏng vấn nhiều điều khó lường nhất
Nhiều bạn sau khi đi phỏng vấn về thấy mình trả lời khá trôi chảy, nhà tuyển dụng cũng gật gù, nói chung là tất cả đều suôn sẻ, song đến khi nhận được email của phòng nhân sự gửi nói rằng bạn chưa phù hợp với vị trí này thì quả thật rất sốc và không biết nguyên nhân tại sao.
Tôi cũng đã từng nhiều lần rơi vào tình huống này (tôi sẽ chia sẻ kỹ hơn về những bài học của bản thân với các bạn ở phần sau của bài viết). Một câu trả lời có thể sẽ được suy diễn theo nhiều cách khác nhau mà chính bản thân bạn cũng không thể lường trước được.
Ví dụ như một người bạn của tôi đi thi tuyển vị trí chuyên viên tư vấn tài chính cá nhân ở ACB, khi được hỏi làm thế nào để huy động được số tiền 4 tỷ/ tháng. Bạn tôi đã trả lời là hiện tại đang đi làm vị trí Sales ở một công ty về thiết bị điện tử, bạn có một danh sách khách hàng hiện tại của công ty, trong đó có nhiều khách hàng rất “đại gia”, đó là nguồn khách hàng để bạn có thể sử dụng khi làm việc ở nơi đây.
Đối với câu trả lời này có hai hướng có thể suy diễn
– Hướng tích cực: Đây là ứng viên có sẵn cơ sở dữ liệu khách hàng, có kinh nghiệm về bán hàng và có tiềm năng tốt trong tương lai, vì vậy, cần phải thu hút về để khai thách cơ sở dữ liệu khách hàng đó.
– Hướng tiêu cực: Ứng viên này sẵn sàng lấy những tài liệu mật về khách hàng ở công ty cũ để mang sang công ty mới sử dụng, vì vậy, có thể một ngày nào đó, anh ta sẽ làm điều tương tự với công ty mình. Vì vậy, không nên chấp nhận một ứng viên như vậy.
Hai hướng suy diễn này đều có những cái lý của riêng người tuyển dụng, vì vậy, tôi nói rằng đôi khi phỏng vấn nó là cái duyên chứ không chỉ thuần túy về kiến thức. Nếu bạn chưa thành công trong phỏng vấn thì chỉ có thể nói là bạn chưa phù hợp mà thôi, vấp ngã, hãy đứng dậy bước tiếp.
1.4 Vòng phỏng vấn là vòng thi được sử dụng tài liệu
Rất nhiều bạn khi đến dự phỏng vấn thường không mang theo tài liệu gì, hoặc có mang cũng không lấy ra để sử dụng. Dù bạn có siêu nhân đến mức nào cũng không thể nhớ được hết tất cả những gì mình đã đọc, không thể dẫn chứng chính xác từ từ từng chữ trong các văn bản pháp luật,… Bạn chỉ có thể đọc, hiểu và nhớ được nó là cái gì và nó nằm ở đâu mà thôi.
Tại sao sử dụng những tài liệu đó để tăng tính thuyết phục cho các câu trả lời của bạn? Tôi sẽ nói thêm ở phần các tài liệu cần chuẩn bị khi tham dự phỏng vấn ở phần sau bài viết.
2. Những chuẩn bị khi bạn được mởi phỏng vấn.
2.1 Kiến thức và kinh nghiệm
2.1.1 Về bản thân mình
Nhiều bạn nghĩ rằng về bản thân mình thì cần gì phải chuẩn bị, có sao nói vậy cũng được. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, bạn sẽ không thuyết phục được nhà tuyển dụng nếu bạn không có những số liệu, những ví dụ để minh chứng cho các câu trả lời của mình.
Vì vậy, trước khi đi phỏng vấn bạn hãy:
– Chuẩn bị một bản CV tự viết của mình (không phải là CV điền theo mẫu của nhà tuyển dụng) trong đó nêu chi tiết các thành tích, công việc mình đã làm.
– Tự tập trả lời trước bộ 50 câu hỏi thông dụng khi phỏng vấn.
Hãy nhớ rằng với mỗi câu trả lời, bạn phải lấy được ví dụ là những trải nghiệm của bản thân về vấn đề đó. Tôi nhớ lần mình đi tuyển dụng ở VP bank, sau khi giới thiệu về bản thân, các điểm mạnh và các thành tích của mình. Tôi đã được hỏi rằng “Điểm yếu của em là gì?”
Tôi đã trả lời như sau:
– Điểm yếu lớn nhất của em đến thời điểm này đó là tính cầu toàn trong công việc.
– Ngày trước khi đi làm Trợ lý dự án ở Công ty Đào tạo và tư vấn nghiệp vụ ngân hàng (BTC), khi được giao việc chuẩn bị tài liệu cho giảng viên trước khi lên lớp em thường đợi đầy đủ tài liệu sau đó mới đóng gói gửi cho giảng viên. Đôi khi trong một số trường hợp dẫn đến sự chậm trễ (giảng viên không đủ thời gian để đọc tài liệu và chuẩn bị cho buổi dạy). Khi đó, sếp của em đã khuyên dạy rằng, em là một người khá cẩn thận và cầu toàn trong công việc là điều tốt, tuy nhiên, mình đã hứa gửi tài liệu hay bất cứ thứ gì cho người khác thì đến ngày đó em phải gửi và có thể bổ sung sau chứ đừng bao giờ làm như vậy.
– Sau một số lần như vậy, hiện nay, em đang dần dần khắc phục điểm yếu này của bản thân.
2.1.2 Về kiến thức chuyên môn nghề nghiệp
Đọc lại đề thi viết phần thi nghiệp vụ và phần tổng kết vòng thi viết của riêng bạn (nếu có). Thường thì những câu hỏi trong đề thi sẽ phần nào nói lên những kiến thức bạn sẽ áp dụng trong công việc sắp tới. Nếu may mắn, bạn có thể hỏi được những người làm chính trong công ty đó hoặc các vị trí tương đương ở các công ty khác về những công việc thực sự phải làm sau này là gì và cần chuẩn bị gì khi phỏng vấn.
Đọc lại các kiến thức sách vở có liên quan. Nếu công ty đó có tổ chức thi viết, bạn đã từng làm điều này rồi, bây giờ chỉ cần xem lại và tóm tắt các điểm cần chú ý ra một tờ giấy là đủ.
Cập nhật thêm các kiến thức, số liệu, sự kiện về kinh tế vĩ mô diễn ra trong vòng ít nhất 3 tháng trở lại đây. Nếu bạn không cập nhật thường xuyên thì nên xem xét lại các dữ liệu đó.
Về lâu dài, tôi nghĩ rằng bạn nên rèn luyện thói quen cập nhật tin thức về tình hình tài chính diễn ra hằng ngày thông qua các kênh truyền thông như các thời báo kinh tế trên internet, bản tin tài chính trên VTV1, tạp chí kinh tế cuối tuần VTV1,… để có cái nhìn tổng quan về tình hình kinh tế trong nước và quốc tế. Một người bạn của tôi khi đi phỏng vấn vị trí liên quan đến kiểm toán nhưng đã được hỏi một câu là: Em hãy nêu cho anh 3 sự kiện kinh tế tài chính nổi bật của Việt Nam trong thời gian gần đây.
2.1.3 Về công ty mình ứng tuyển.
Nếu bạn ứng tuyển vào ngân hàng thì thực sự những thông tin này rất dễ tìm kiếm thông qua bản báo cáo thường niên ngân hàng đó vào năm gần nhất. Hãy đọc và tóm tắt lại báo cáo thường niên đó trong 1 trang A4 với những số liệu như
– Các chỉ tiêu tài chính có liên quan: tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, huy động, dư nợ, các chỉ số ROA, ROE,..
– Định hướng chiến lược, cơ cấu cổ đông, các lợi thế của ngân hàng đó so với các ngân hàng khác trong cùng nhóm.
– Các giải thưởng, sự kiện thể hiện trách nhiệm xã hội của ngân hàng đó với cộng đồng.
– Cơ cấu tổ chức các phòng ban và hiểu biết riêng của bạn về vị trí ứng tuyển trong phòng ban đó.
– Bên cạnh đó, nếu công ty (hoặc ngân hàng) đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, bạn có thể tìm hiểu thêm các báo cáo phân tích, đánh giá của các công ty chứng khoán khác để có thêm sự hiểu biết và nhận định cho riêng mình.
2.2 Trang phục khi đi dự phỏng vấn.
2.2.1 Nguyên tắc chung
– Các cụ ngày trước đã có câu “Quen thì sợ bụng sợ dạ, Lạ thì sợ áo sợ quần”, khoa học cũng đã thống kê rằng người ta đánh giá bạn chỉ sau 4 giây đầu tiên và đi đến kết luận ban đầu về bạn ở 30 giây kế tiếp. Vì vậy, trang phục bên ngoài khi đi phỏng vấn thể hiện rất nhiều về bạn đấy.
– Giới công sở được mệnh danh là khá bảo thủ trong cách ăn mặc, vì vậy không quần bò, áo phông, giày thể thao khi đi phỏng vấn. Hãy mặc trang phục công sở lịch sự và gọn gàng và cũng không nên chọn áo sơ mi cộc tay
– Đầu tóc, râu ria, móng tay móng chân cắt tỉa gọn gàng.
2.2.2 Một số chú ý
Đối với Nam:
– Đối với nam, nên mặc vest hoặc ít nhất cũng phải đeo caravat (nếu trời quá nóng và không thể mặc vest được). Vest nên chọn bộ sẫm màu, theo quan điểm của tôi, vest màu đen có thể phối hợp được với nhiều kiểu áo sơ mi và giày nhất. Nhiều bạn nghĩ rằng, mặc vest và đeo caravat như vậy trông có bị “oai quá” hay không? Sếp phỏng vấn ăn mặc giản dị như vậy mà mình như vậy liệu có bị oai hơn sếp không nhỉ? Tôi nghĩ rằng, chẳng có ai hơn ai trong tình huống này cả. Trang phục bên ngoài này chỉ thể hiện bạn chuyên nghiệp hơn trong phỏng vấn mà thôi.
– Giày loại bằng da thuộc, nên chọn màu đen và cố gắng đánh giày sạch sẽ, gót giày không nên quá mòn. Nên đi tất cổ dài vì trong trường hợp bạn ngồi vắt chân chữ ngũ cũng không để lộ da chân.
– Nam giới có 2 trang sức chính là nhẫn cưới và đồng hồ. Nhẫn cưới thì có vẻ hơi khó kiếm đối với một số bạn, tuy nhiên, hãy chọn cho mình một chiến đồng hồ vừa có chức năng xem giờ và vừa là trang sức vừa đủ cho mình.
Đối với nữ
– Tôi nghĩ rằng, đối với nữ nên là trang phục váy công sở có áo vest bên ngoài, áo sơ mi nên để nền trắng và mang theo túi xách tay. Trang điểm và nước hoa cũng không nên quá nặng.
– Cần tránh các quần áo màu quá lòe loẹt, hở hang và mang trên người quá nhiều trang sức.
– Tôi vẫn ấn tượng nhất đối với một bạn gái đi phỏng vấn cùng mình ở vị trí Trợ lý giám đốc quan hệ khách hàng ở VP bank, phong cách ăn mặc của bạn ấy rất nhã nhặn nhưng cũng toát lên một vẻ đẹp sắc sảo của bạn ấy, thực sự trong tất cả những bạn phỏng vấn cùng mình hôm đó, mình ấn tượng nhất về bạn này (đúng là anh hùng không qua được ải mỹ nhân)
2.3 Những thứ cần mang theo khi phỏng vấn.
– CV tự viết như tôi đã trình bày ở phần trước.
– Bản mô tả công việc: Copy trên mạng in ra. Nhiều khi bạn vẫn dùng đặc biệt là đối với các câu hỏi có liên quan như “Em hiểu gì về công việc sắp tới?”
– Báo cáo tài chính của ngân hàng, tự tính toán ra một số chỉ số và bản tóm tắt các thành tích của ngân hàng đó, lấy trong báo cáo thường niên.
– Bút, sổ tay để có thể ghi lại những điều cần thiết khi nhà tuyển dụng nói. Điều này rất quan trọng vì đôi khi không chỉ có 1 người phỏng vấn mà đến tận 3 người phỏng vấn, mỗi người đưa ra một câu hỏi khác nhau bạn không ghi chép lại thì rất dễ phải hỏi lại anh/chị vừa hỏi câu gì vậy
– Chứng minh thư nhân dân: Bởi vì, có thể bạn sẽ phải để CMT dưới quầy lấy thẻ khách lên tầng phỏng vấn
– Lược: Đối với cả nam lẫn nữ, khi đội mũ bảo hiểm, tóc bạn sẽ rất bù xù khi đến dự phỏng vấn, hãy chải đầu và thể hiện mình chuyên nghiệp hơn trước mắt nhà tuyển dụng nhé
– Bản đồ, và tên địa điểm phỏng vấn: Đầu tiên, bạn phải ghi lại địa điểm phỏng vấn, search google nếu bạn chưa biết trước và kinh nghiệm của mình, ví dụ người ta hẹn bạn phỏng vấn 10h, nên đi trước 1 tiếng.
– Tất cả những đồ đạc mang theo nên để trong cặp và bạn nên đặt gọn gàng chiếc cặp này ở dưới đất cạnh ghế ngồi phỏng vấn.
– Điện thoại buộc phải để chế độ rung hoặc nên tắt máy trước khi đi phỏng vấn. Rất nhiều ứng viên tôi từng biết đã bị nhà tuyển dụng đuổi thẳng ra ngoài khi điện thoại của ứng viên đó đổ chuông khi đang nói chuyện.
Nguồn: Kiều Việt Hùng
Bạn Có Đam Mê Với Vi Mạch hay Nhúng - Bạn Muốn Trau Dồi Thêm Kĩ Năng
Mong Muốn Có Thêm Cơ Hội Trong Công Việc
Và Trở Thành Một Người Có Giá Trị Hơn