“Các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin (CNTT) đang tận dụng rất tốt những hỗ trợ của Nhà nước, tôi chưa thấy ngành thứ hai làm được như vậy”.
TS Lê Mạnh Hà, phó chủ tịch UBND TP.HCM, nói với TTCT và cho rằng “Việt Nam chỉ có thể phát triển đột phá nếu tập trung cho phát triển CNTT”.
* Có lần ông đã nói về việc nhiều lãnh đạo ban ngành còn chưa biết sử dụng CNTT, điều đó nay đã được cải thiện chưa? Liệu đó có phải là một phần yếu tố tiêu cực, chậm trễ trong việc giải quyết các vấn đề dân sinh?
- Đó là sự thật. Cấp lãnh đạo cao nhất đã khẳng định trong một văn bản: tư duy và nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của CNTT của nhiều cấp, nhất là người đứng đầu, chưa thật sự đầy đủ. TP.HCM không một ngoại lệ và đã đầu tư rất lớn cho ứng dụng CNTT.
Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa cao do còn nhiều cán bộ nhận thức và sử dụng CNTT còn kém, dẫn đến những tình trạng như giải quyết chậm hồ sơ. CNTT còn là công cụ tốt nhất để minh bạch quá trình giải quyết hồ sơ, không sử dụng nó sẽ khó giảm được tiêu cực.
Gần đây Tuổi Trẻ có phản ánh lãng phí của một dự án lớn về CNTT ở một địa phương miền Trung. TP.HCM thì xác định đầu tư lớn cho CNTT nhưng trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả và sát với thực tế.
Gần 10 năm trước, chúng tôi đã từ chối dự án tương tự dự án trên với số vốn trên 30 triệu USD vì thấy không hiệu quả và bị phụ thuộc.
* Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp CNTT rất nhiều, từ các dự án sử dụng ngân sách đến điều chỉnh chính sách thuế, lập các khu phần mềm... Theo đánh giá của ông, doanh nghiệp đã tận dụng được các ưu đãi của Nhà nước hay chưa để bước vào sản xuất, vì vẫn thấy nhiều doanh nghiệp nhập thiết bị nước ngoài về bán?
- CNTT không chỉ gồm thiết bị, tức là phần cứng, mà còn có phần mềm, có dịch vụ CNTT. Doanh thu từ phần mềm năm 2013 đạt 1 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng của sản xuất phần mềm là 30%. Việt Nam có được mấy ngành có tốc độ tăng trưởng như vậy?

Tôi nghĩ ngành CNTT có phát triển, nhưng đột phá thì không. Chúng ta phát triển vì đó là nhu cầu của cuộc sống hơn là do chính sách. Máy tính vẫn lắp ráp, hiệu quả thấp chứ không cao. Phần mềm cũng phổ biến với các ứng dụng trong cuộc sống nhưng chưa cao.
* Nhưng muốn sản xuất thiết bị thì không dễ, phải biết sản xuất cái gì và có làm được không. Cũng chẳng cần bi quan về điều đó vì sự thật là tuyệt đại đa số các nước trên thế giới cũng chẳng sản xuất được. Điện thoại di động chẳng hạn, bây giờ ta chỉ còn nghe nhiều đến Apple, Samsung. Trung Quốc phát triển ấn tượng là thế nhưng đã có thương hiệu nào sánh được với Samsung của nước Hàn Quốc nhỏ bé hơn chưa?
CNTT không đùa được, chỉ thiếu sáng tạo một chút là ở ngoài đường đua. Đa số các nước vẫn là lắp ráp thiết bị. Chủ trương của TP.HCM hiện tại là sẽ bớt dần lắp ráp, phát triển bằng cách tự sản xuất các vi mạch điện tử - bộ não của các thiết bị điện tử.
Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch điện tử của thành phố được thực hiện từ năm 2012 và đang là chương trình duy nhất của Việt Nam.
Tôi cho rằng cần phải ưu đãi hơn nữa với các doanh nghiệp CNTT, nhiều hơn, mạnh hơn, chính xác hơn nữa. Muốn ngành này phát triển đột phá thì phải thực hiện bằng được phương châm người Việt Nam phải dùng hàng Việt Nam thay vì chỉ ưu tiên dùng hàng Việt Nam như hiện nay.
Việt Nam rất khó trở thành nước công nghiệp, thậm chí không thể, nếu không phát triển được ngành CNTT.
* Ông có tự tin quá không vào tính khả thi của việc này khi tin người Việt mình làm được, bắt đầu từ chip điện kế điện tử đi, vì điện kế điện tử xét cho cùng vẫn là một sản phẩm hơi đơn giản với CNTT? Đến bao giờ mình sẽ thay được hết điện kế điện tử, và điểm mấu chốt là mình sản xuất có rẻ hơn, tốt hơn nhập hàng về lắp ráp không, thưa ông?
- Không phải là khả thi nữa mà nó đã thành sự thật. Chúng ta đã thiết kế xong, đã có điện kế điện tử “bằng xương bằng thịt” và chuẩn bị sản xuất hàng loạt để tham gia thị trường. Các điện kế điện tử đang sử dụng trong các hộ dân vẫn được nói là điện kế điện tử của Việt Nam, nhưng thật ra Việt Nam chỉ lắp ráp và có mỗi cái vỏ.
Bây giờ TP.HCM đã làm được cả vỏ lẫn ruột. Theo đánh giá chủ quan của chúng tôi, điện kế của Việt Nam rẻ hơn và tốt hơn những điện kế đang có trên thị trường.
Chúng ta đủ sức làm các loại thẻ thông minh như chứng minh nhân dân điện tử, thẻ ngân hàng; các loại sim card cho điện thoại. Thế nhưng hiện nay hằng năm vẫn phải nhập hàng triệu, hàng triệu sim điện thoại.
Trong thời gian tới sản phẩm nội phải chiếm thị trường này vì sự phát triển kinh tế, nhưng quan trọng hơn là vì lý do an ninh. Việt Nam đang nhập các sản phẩm điện tử chủ yếu từ Trung Quốc, khi mà nhiều nước đã cấm vì lý do an ninh.
Chúng ta cũng cần dựng lên hàng rào an ninh để ngăn cản các sản phẩm rất đáng ngờ.
* Với CNTT thì phát triển phần mềm hay phần cứng là mối quan tâm chủ đạo của lãnh đạo TP hiện tại?
- Giai đoạn trước, TP.HCM tập trung phát triển phần mềm. Giai đoạn này (từ năm 2012 đến nay) phát triển đều hơn, gồm cả phần cứng. Thành phố đang tập trung phát triển vi mạch - bộ não của các sản phẩm điện tử.
Phát triển vi mạch là đồng thời phát triển cả phần cứng lẫn phần mềm vì các phần mềm được nhúng trong nó. Vi mạch sẽ giúp chúng ta chuyển từ việc chỉ lắp ráp sang sản xuất thật sự.
* Gần đây dư luận dấy lên tranh cãi về việc đơn giản thôi, ví dụ con ốc của máy tính Việt Nam có thể sản xuất được nhưng giá thành có thể sẽ là 10 đồng, trong khi Trung Quốc làm chỉ với 1 đồng. Ông kêu gọi sử dụng hàng Việt Nam, trong trường hợp này ông chọn con ốc 10 đồng hay 1 đồng?
- Nếu chúng ta muốn phát triển bắt đầu từ những con ốc thì sẽ thất bại. Nếu làm phân xưởng của thế giới thì Việt Nam không thể hơn Trung Quốc. Hàn Quốc là một bài học hay về phát triển sáng tạo, không đi theo lối mòn phải làm các ngành truyền thống mà Nhật Bản và các nước phát triển khác đã tiến rất xa.
Họ đi thẳng vào CNTT - ngành cần chất xám - hơn là làm sao sản xuất con ốc cho rẻ như Trung Quốc. Trung Quốc vẫn đang chỉ là nơi lắp ráp cho Hàn Quốc và các nước khác, Việt Nam không nên học.
Tôi tin rằng Việt Nam chỉ có thể phát triển đột phá nếu tập trung cho phát triển CNTT. Nếu không thì chỉ phát triển đều đều 5-10%/năm, mãi mãi đi sau các nước đang ở phía trước. Hút dầu, đào mỏ lên bán, xuất gạo, xuất cà phê thì cũng chỉ đủ ăn.
Người Việt rất thông minh, nếu phát huy được sức mạnh và ý chí dân tộc như khi đánh giặc thì sẽ vượt lên rất nhanh.
* Nếu các doanh nghiệp CNTT cứ bám vào Nhà nước và luôn đòi hỗ trợ tối đa, thì đâu là điểm cân bằng lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp?
- Một câu hỏi quá định kiến với ngành CNTT. Tôi nhắc lại ngành CNTT phát triển với tốc độ rất cao và đã tận dụng tốt nhất các ưu đãi của Nhà nước, tuy chúng ta chưa hài lòng với sự phát triển này. Đây là ngành tiêu tiền ít nhất nhưng hiệu quả nhất.
Chi một năm cho CNTT có bằng ngành giao thông xây một cây cầu không? Viễn thông, CNTT đã làm thay đổi bộ mặt đất nước, làm thay đổi cuộc sống của từng người. Các doanh nghiệp nhà nước đem lợi nhuận lớn nhất về cho ngân sách là doanh nghiệp viễn thông.
* Một số thành phố lớn có các dự án tin học hỗ trợ người dân, ví dụ như WiFi (Đà Nẵng) hay sách điện tử miễn phí, vậy TP.HCM có dự tính gì về những dự án hướng đến toàn bộ dân chúng hay chưa?
- Miễn phí cho tất cả người dân à? Tôi cho rằng không nên làm như vậy, làm từ thiện cho cả người giàu thì không phải là chính sách tốt, cả về mặt kinh tế lẫn về mặt xã hội. Hãy hỗ trợ người nghèo, người khuyết tật, học sinh sinh viên. Ngay cả trợ giá xe buýt hiện nay tôi thấy cũng không phù hợp.
Những người có thu nhập cao cũng được đi xe buýt giá rẻ là không đúng. Tôi không ủng hộ sự miễn phí vì như thế kinh tế sẽ không phát triển được. Tôi không nghĩ cái gì miễn phí là tốt, điều đó chỉ phục vụ một số đối tượng nhất định trong xã hội chứ không thể cho tất cả.
Sách điện tử miễn phí càng không nên miễn phí. Máy tính bảng (sách điện tử) dùng trong trường học chỉ nên là thêm một lựa chọn cho học sinh bên cạnh sách thông thường. Ai có khả năng thì mua thêm để dùng, không nên ép buộc, không nên thay luôn sách bằng giấy.
Người lớn đi làm vẫn còn phải dùng tài liệu bằng giấy kia mà, đã thay được hết đâu, máy tính chỉ bổ sung, làm giảm giấy tờ mà thôi.
* Các công nghệ mới có thể làm những hướng phát triển cũ trở thành lạc hậu. Vậy thành phố có tư vấn của nhóm chuyên gia nào về định hướng phát triển dài hạn 10 năm, 20 năm chưa, hay vẫn chạy theo nhu cầu ngắn hạn của thị trường?
- CNTT mà nói trước được một năm đã là tài. Định hướng cho 10 năm, 20 năm với sự phát triển từng ngày của ngành này thì phải là người cực kỳ xuất chúng. TP.HCM đang lập quy hoạch phát triển CNTT để định hướng dài hạn.
Thú thật là tôi không tin vào tính khả thi, tính thực tế của quy hoạch ngành, bất kỳ ngành nào. Cả nước có hàng ngàn, hàng ngàn quy hoạch nhưng có ai chỉ ra được quy hoạch nào hữu ích không, hay là chỉ tốn tiền vô ích?
Thành phố đã xây dựng các khu phần mềm, khu công nghệ cao làm hạ tầng phát triển CNTT thật sự là cho phát triển dài hạn. Chúng tôi mong muốn có được sự đồng thuận: dành những khu đất tốt nhất cho CNTT, cho khoa học công nghệ.
Rất tiếc trong 10 năm gần đây, thành phố chưa có thêm địa điểm nào cho công viên phần mềm. Kinh doanh bất động sản mặc dù gây cho kinh tế không ít khó khăn nhưng quan điểm bán đất có tiền ngay vẫn đang thắng quan điểm đầu tư cho tương lai: đầu tư vào CNTT, vào khoa học công nghệ.
Nguồn: tuoitre.vn