Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Semicon


  • ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN ĐỂ TRUY CẬP NHIỀU TÀI LIỆU HƠN!
  • Create an account
    *
    *
    *
    *
    *
    Fields marked with an asterisk (*) are required.
semicon_lab.jpg

Hệ thống giám sát container CTS-01 thêm giá trị cho vi mạch Việt

Hệ thống giám sát container CTS-01 thêm giá trị cho vi mạch Việt    

         Một chiếc khóa điện tử có tính năng giám sát hành trình các container, chỉ mở khi quẹt đúng thẻ từ, đồng thời đưa ra cảnh báo khi có người cố ý bẻ khóa... vừa được nhóm các nhà nghiên cứu TPHCM công bố sau 2 năm nghiên cứu và thử nghiệm.

Hơn thế, đó là sản phẩm đầu cuối ứng dụng thành công chip điện tử do chính Việt Nam sản xuất. Do đó ngoài khả năng làm chủ công nghệ, khóa điện tử này còn phù hợp với đặc điểm vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam
Hệ thống giám sát container CTS-01 thêm giá trị cho vi mạch Việt
 
Khóa container CTS-01 do ICDREC và SHTP LABS sản xuất.

Làm chủ công nghệ

Chiếc khóa có các tính năng đặc biệt kể trên là sản phẩm đầu cuối nằm trong hệ thống giám sát container CTS-01 do một nhóm nhà khoa học trẻ thuộc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) - Đại học Quốc gia TPHCM và Trung tâm Nghiên cứu - triển khai Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP LABS) tạo ra. Trong đó, ICDREC phát triển vi mạch và SHTP phát triển phần cơ khí.

Là người đầu tiên sử dụng CTS-01, ông Nguyễn Ngọc Tuấn Minh (Công ty Vận tải Nam Thắng) khẳng định: “Chúng tôi có thể kiểm soát được xe đi trên đường theo lộ trình vạch sẵn, vì vậy xe vận chuyển hàng hóa đến đúng giờ, giao nhận chính xác hơn…”.

Khóa điện tử nặng khoảng 1,4kg được lắp vào container thay thế cho ổ khóa thông thường hoặc bấm seal (niêm phong chì) truyền thống. “Bộ não” của chiếc khóa container này sử dụng vi xử lý SG8V1 của Việt Nam và “chìa khóa” dùng để mở khóa là thẻ từ cũng sử dụng chip RFID của Việt Nam. Bên trong lớp vỏ thép của khóa được gắn SIM di động và hệ thống định vị GPS.

Nhờ các công nghệ này, tất cả thông tin, dữ liệu từ khóa được truyền về hệ thống quản lý trung tâm; giúp người quản lý và kiểm soát khóa điện tử dễ dàng ngay trên máy tính để bàn, máy tính xách tay hay thiết bị di động. “Đây chính là khả năng “Việt” cần thiết để quản lý hàng hóa trong container khi vận chuyển” - anh Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng phòng Thị trường và Đầu tư ICDREC cho biết như vậy.

Theo anh Nguyễn Tấn Thịnh, thành viên của nhóm nghiên cứu, suốt quá trình thử nghiệm, khóa điện tử chịu lực va đập lớn, nhiệt độ nóng, nước mưa và cả muối biển. Bởi vậy, vật liệu làm khóa là kim loại không gỉ, sét (trường hợp này là thép cứng), vi mạch điện tử có khả năng chống chọi với thời tiết từ -10 độ đến 50 độ.

“Khi thiết kế, chúng tôi phải đứng ở khía cạnh những thành phần xấu, nghĩ xem có những cách phá hoại nào khả thi để còn có cách phòng chống. Tội phạm bây giờ cũng sử dụng công nghệ cao nên làm một sản phẩm như thế này thật không phải đơn giản”, anh Thịnh cho biết thêm.

    Dư sức cạnh tranh

Anh Nguyễn Trung Hiếu khẳng định: Các loại khóa thông dụng tại Việt Nam hiện nay đều là sản phẩm ngoại nhập, phổ biết nhất là loại CT-X8 của Đài Loan có giá bán 750 USD, khóa Watchlock của Israel có giá 1.000 USD chưa tính các chi phí nhập khẩu. Hơn nữa các sản phẩm trên chỉ mới quản lý được đầu container, còn hàng hóa trong thùng container vẫn chưa giám sát được, điều này dẫn đến tình trạng gian lận…

Trong khi đó, khóa CTS-01 có giá chưa bằng một nửa các thiết bị ngoại. Đây là một lợi thế không nhỏ để thương mại hóa sản phẩm. Chưa kể, nếu áp dụng khóa container CTS-01 do chính do người Việt sản xuất thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ giám sát tốt hơn lượng container và giúp ngành hải quan tự động hóa quy trình, nghiệp vụ quản lý hàng hóa nhập khẩu.

CTS-01 là một trong những sản phẩm sử dụng vi xử lý SG8V1 vốn được ICDREC nghiên cứu thiết kế trong nước. Do đó, song song với vấn đề bảo mật thì CTS-01 còn phù hợp với đặc điểm tự nhiên, địa lý… của Việt Nam. Và với mong muốn được ứng dụng rộng rãi cũng như hoàn thiện sản phẩm, trong thời gian vừa qua, ICDREC và SHTPLABS đã nhận được sự hỗ trợ và phối hợp của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn trong việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ cao vào quy trình nghiệp vụ điều hành, quản lý vận tải nói chung và container nói riêng.

Song song đó là các sự hỗ trợ và phối hợp thử nghiệm hệ thống của các doanh nghiệp logistic, vận tải hàng hóa như Tân Thanh, Liên Minh Á Châu, Hưng Thái, Nam Thắng… đã cho thấy doanh nghiệp trong nước mong muốn được ứng dụng công nghệ Việt để thay thế thiết bị ngoại nhập.

Không chỉ dừng lại ở một sản phẩm đơn lẻ như CTS-01, việc ứng dụng SG8V1 còn khẳng định ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam đang phát triển đúng hướng.

Trước đây, một số sản phẩm vi mạch Việt được thương mại hóa thành công như thiết bị giám sát hành trình ô tô X200, hộp đen xe máy XM100, cảm biến áp suất theo công nghệ MEMS và sắp tới đây là loạt các sản phẩm ứng dụng cho ngành điện như điện kế điện tử... đã mở ra cơ hội mới góp phần củng cố sức mạnh nội sinh của doanh nghiệp trong nước; nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạnh khi TPHCM đang thực hiện Chương trình phát triển vi mạch bán dẫn TPHCM giai đoạn 2013 - 2020.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà, CTS-01 ra đời chứng minh lộ trình phát triển công nghiệp vi mạch của TPHCM đang đi đúng hướng, cho ra những sản phẩm chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Tuy nhiên việc đưa ra thị trường là một quá trình dài, cần sự ủng hộ của thị trường, của chính người Việt. Đến lúc người Việt phải dùng hàng Việt ngay trong lĩnh vực công nghệ cao. TPHCM sẽ xem xét lộ trình sử dụng sản phẩm vi mạch nội nếu sản phẩm đó đạt chất lượng tương đương hàng ngoại nhập.

Nguồn: sggp.org.vn

 

Latest IC Design Articles

Related Articles

Most Read IC Design Articles

Chat Zalo