Trong thời gian gần đây, hai công nghệ Triluminos và X-Reality liên tục được bổ sung trên dòng sản phẩm TV Bravia và điện thoại Xperia ở phân khúc cao cấp nhằm củng cố danh hiệu “nét như Sony”. Sự kết hợp của bộ đôi này sẽ tạo bước đột phá trong cuộc cạnh tranh về màn hình hiện nay.

Theo các đo đạc của Học viện Công nghệ MIT tại Mỹ, màn hình Triluminos có khả năng tái tạo dải màu rộng hơn đến 50% so với màn hình LCD thông thường sử dụng đèn nền LED tráng phốt-pho. Tất cả ưu điểm này có được là nhờ sử dụng những chấm lượng tử (Quantum Dot), được hiểu là những hạt siêu nhỏ có thể phát ra ánh sáng thay cho bộ lọc 3 màu cơ bản (đỏ, xanh lá, xanh dương). Đặc tính của chấm lượng tử là phát ra ánh sáng có sắc độ cụ thể tùy theo kích thước trong khoảng từ 2 nano mét đến 10 nano mét.
Công nghệ Triluminos sử dụng bóng LED không tráng phủ đặt trong ống thủy tinh với đầy chấm lượng tử phát quang đỏ và xanh lá, chỉ có thể cung cấp bởi Công ty QD Vision (đặt trụ sở tại Massachussetts, Hoa Kỳ). Hai loại chấm lượng tử khác nhau này sẽ hấp thụ một phần ánh sáng xanh dương từ đèn nền rồi phát xạ lại ánh sáng màu đỏ và xanh lá thuần khiết. Kết quả: màn hình Triluminos tái tạo màu chính xác hơn, khắc phục nhược điểm tạo ra màu sắc nhợt nhạt so với việc dùng đèn LED tráng phốt-pho đang thông dụng hiện nay.
Điểm ưu việt của Triluminos không chỉ đến từ khả năng mà là công đoạn chế tạo các chấm lượng tử này không quá khó như công nghệ OLED. Vậy nên, Sony có thể đưa Triluminos đến nhiều dòng sản phẩm khác nhau như TV, điện thoại, máy tính bảng ở phân khúc trung cấp chứ không chỉ các dòng cao cấp. Như vậy, trong tương lai, người dùng sẽ được trải nghiệm công nghệ này.

Nếu Triluminos là thiết kế phần cứng mới dựa trên nền tảng LCD TFT truyền thống đảm nhiệm phần màu sắc, thì X-Reality là phần mềm phụ trách phần khó khăn hơn: nâng cấp chất lượng hình ảnh. Sony cần đến X-Reality, bởi dù màn hình có đẹp đến đâu mà nguồn phát tệ thì hình ảnh cuối cùng đến mắt người xem vẫn không thể hấp dẫn, nhất là với truyền hình cáp Việt Nam.
Tất cả tín hiệu hình ảnh từ nguồn phát sẽ “qua tay” X-Reality và bị "xé nhỏ" thành nhiều thành phần gồm: kết cấu, đường nét, độ tương phản và màu sắc. Mỗi thành phần sẽ được X-Reality phân tích và xử lý riêng biệt nhằm tái tạo các thông tin bị mất trong quá trình nén hình ảnh, rồi mới "ghép" trở lại thành hình ảnh cuối cùng. Nhờ đó, X-Reality sẽ giúp các hình ảnh trở nên rõ và chi tiết hơn, độ bão hoà cũng như độ tương phản màu sắc được cải thiện đáng kể. Tất nhiên, X-Reality cũng có giới hạn khi chưa thể biến bức ảnh nhoè nhoẹt được chụp từ điện thoại cơ bản có camera VGA thành bức ảnh chụp từ máy ảnh chuyên nghiệp.

X-Reality được chia thành nhiều phiên bản khác nhau. Trên các sản phẩm TV, X-Reality sẽ hoạt động dựa vào chip xử lý riêng của Sony. Còn X-Reality Pro sẽ sử dụng chip xử lý hai nhân, để cải thiện tốc độ, đáp ứng các đoạn phim 3D, nên sẽ chỉ xuất hiện trên dòng cao cấp.
Riêng với điện thoại di động, X-Reality Mobile sẽ sử dụng chip xử lý SoC. Junichi Kosaka - thành viên nhóm phát triển X-Reality Mobile - cho biết: Do gặp nhiều khó khăn, nên không thể tích hợp một chip xử lý riêng. Trong đó, trở ngại lớn nhất là vấn đề điện năng tiêu thụ. Vậy nên, X-Reality Mobile mới chỉ xuất hiện trên điện thoại sử dụng chip xử lý cao cấp như Xperia Z Ultra và Xperia Z1 có chip Qualcomm Snapdragon 800. Đương nhiên, X-Reality Mobile sẽ cho hiệu quả hơn hẳn tính năng Bravia Engine xuất hiện trên các máy cấu hình yếu trước đây.